Tết đang đến gần, bạn bị bong mắc cài, bị tuột dây cung hay dây cung chọc má? Nhưng bạn lại không thể tới phòng khám để xử lý được do lịch nghỉ Tết kéo dài. Trong bài viết này, Nha Khoa An sẽ tổng hợp 5 vấn đề hay gặp nhất vào dịp Tết và một số phương pháp để bạn có thể xử lý nhanh chóng và đơn giản tại nhà. Mong rằng những phương pháp này sẽ giúp bạn có một dịp Tết thật dễ dàng và thoải mái.
1. Bong mắc cài
Vấn đề đầu tiên mà bạn hay gặp nhất đó là bong mắc cài. Đây là vấn đề mà cả bạn hay bác sĩ đều không mong muốn nhất nhưng lại là vấn đề hay gặp nhất vào dịp lễ Tết. Những đồ ăn cứng như các loại kẹo, các loại hạt hay những đồ ăn lớn, có độ dính như bánh chưng, giò là những nguyên nhân gây bong mắc cài nhiều nhất. Vậy nên, cách giải quyết tốt nhất đó là bạn hãy hạn chế tối đa những đồ ăn quá cứng hay quá dai. Với những đồ ăn quá lớn, hãy chia nhỏ ra trước khi ăn để bảo vệ mắc cài của bạn.
Trong trường hợp không may mắc cài của bạn vẫn bị bong thì sao? Trường hợp 1, nếu mắc cài vẫn nằm trên dây cung thì bạn không nên cố lấy mắc cài ra. Bởi vì, việc giật mắc cài ra có thể làm bong những mắc cài bên cạnh. Và bạn cần nhớ, hãy hạn chế ăn những đồ ăn khó nhai ở bên bị bong đó. Điều này sẽ giúp bạn thoải mái hơn khi ăn nhai các đồ ăn khác. Trường hợp 2 là mắc cài đã bị bong ra khỏi ngoài dây cung, thường sẽ là những mắc cài ở phía bên trong cùng răng hàm. Trong trường hợp này, bạn hãy giữ lại mắc cài đó. Khi đến lần tái khám tiếp theo, bác sĩ sẽ xem xét và gắn lại cho bạn mà không cần phải thay một chiếc mắc cài mới, giúp tiết kiệm chi phí. Đoạn dây cung bị thừa ra do mắc cài bong nếu làm cho bạn đau thì hãy nhờ người thân cắt bỏ bằng bấm móng tay hoặc kìm điện. Hãy nhớ vệ sinh những khí cụ đó bằng bông cồn và nước sạch trước khi đưa vào miệng. Và cuối cùng, ngay khi phòng khám mở cửa trở lại, hãy sắp xếp lịch gần nhất để có thể gắn mắc cài lại.
Xem thêm: Cách chăm sóc răng miệng khi mới niềng răng
2. Dây cung chọc má
Vấn đề thứ 2 mà bạn hay gặp phải trong dịp Tết là dây cung chọc má. Để hạn chế khó chịu thì bạn có thể cắt tạm dây cung nếu quá dài bằng kìm điện hay bấm móng tay đủ cứng. Nếu đoạn dây ngắn, bạn có thể dùng sáp chỉnh nha để đệm vào đầu dây thừa hoặc làm thêm một cục bông nhỏ đệm vào đuôi dây. Nhưng bạn cần nhớ phải bỏ bông ra trước khi ăn uống để tránh nuốt phải cục bông đó. Ngoài ra, cần hạn chế nói chuyện và ăn uống để tránh dây cung chọc má nhiều hơn.
Một tips nhỏ có thể bạn đã biết đó là việc dây cung chọc má thường xảy ra do dây cung bị trượt sang một bên trong khi bạn ăn nhai. Trên mỗi dây cung thì có những chấm định vị. Vị trí chấm này sẽ nằm ở giữa kẽ giữa hai răng cửa. Nếu bạn thấy chấm định vị này bị lệch về phía bên dây cung chọc má thì bạn có thể kéo dây cung về bên đối diện bằng nhíp, kẹp hoặc thậm chí là bằng tay.
3. Viêm ở vị trí cắm Vis
Vấn đề thứ 3 bạn hay gặp phải nhất trong dịp Tết đó là viêm ở vị trí cắm vis hoặc lung lay vis. Tết đến, bạn dành nhiều thời gian cho việc ăn uống nhưng lại dành ít thời gian cho việc vệ sinh răng miệng. Việc này làm tăng khả năng bị viêm vị trí cắm vis. Viêm vis không chỉ làm cho bạn bị đau, khó chịu mà nó còn làm cho vis bị lung lay và có thể bị tuột vis. Vậy nên, để tránh bị viêm thì bạn cần nhớ vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Việc đơn giản nhất là súc miệng kỹ sau khi ăn. Nếu bạn không có nhiều thời gian trong ngày để vệ sinh thì hãy dành thêm thời gian vào buổi tối để vệ sinh vis.
Trong trường hợp vis của bạn bị viêm, đầu tiên, bạn phải loại bỏ hết thức ăn lắng đọng quanh vis bằng cách bơm rửa trực tiếp vị trí cắm vis bằng dung dịch nước muối hoặc betadin. Bạn có thể lấy tăm bông thấm dung dịch sát khuẩn, sau đó chấm và lau quanh vis để lấy sạch thức ăn. Ngoài ra, bạn có thể mua thêm tuýp thuốc Kamistad có thành phần kháng sinh chống viêm. Đặc biệt, loại thuốc này có thành phần thuốc tê giúp bạn giảm đau nhanh chóng. Nếu vis của bạn lung lay, sắp rụng, hãy mạnh dạn rút mạnh ra khỏi lợi. Sau đó, lấy tăm bông thấm nước muối sát khuẩn ở vùng lợi vừa rút vis ra. Nếu bạn muốn biết cách vệ sinh vis đúng cách, hãy xem clip hướng dẫn vệ sinh vis của Nha Khoa An để hiểu rõ hơn nhé.
Xem thêm: 6 Biến Chứng Nguy Hiểm Thường Gặp Khi Niềng Răng
4. Tuột lò xo kéo
Vấn đề thứ 4 bạn hay gặp phải trong dịp Tết đó là tuột lò xo kéo. Thông thường, lò xo kéo sẽ được mắc ở một vài vị trí như từ minivis đến mắc cài răng nanh. Nếu bạn xác định được chính xác vị trí đặt lò xo thì bạn có thể đặt lại. Hoặc bạn có thể quan sát lò xo ở bên cung hàm đối diện nếu có và móc lại vị trí tương ứng. Trong trường hợp bạn đã thử nhưng không móc lại được thì hãy tháo hẳn lò xo ra. Bởi vì, khi kéo lò xo ở cả hai bên cung hàm mà một bên cung hàm bị tuột thì khi đó chỉ có một bên tác dụng lực kéo và răng của bạn sẽ có nguy cơ dịch chuyển lệch về bên đó. Do vậy, bạn cần quay trở lại nha khoa càng sớm càng tốt để kéo và di chuyển răng đều hai bên.
5. Tuột đầu chỉ thép liên kết
Vấn đề thứ 5 bạn hay gặp phải trong dịp Tết đó là tuột đầu chỉ thép liên kết. Đối với những bạn đang trong giai đoạn cố định răng sẽ phải buộc chỉ thép liên kết các răng lại với nhau. Trong quá trình ăn nhai, đầu chỉ thép có thể bị bật ra hoặc đứt, làm chọc vào môi má, gây đau hoặc chảy máu. Nếu như đầu chỉ thép chỉ thừa ra thì bạn chỉ cần dùng nhíp ấn vào trong kẽ răng phía dưới mắc cài và dây cung. Còn nếu chỉ thép bị đứt, tuột ra khỏi mắc cài thì bạn có thể lấy bấm móng tay hoặc kéo sắc để cắt đứt luôn đoạn chỉ thép đó.
Vừa rồi, Nha Khoa An đã tổng hợp 5 vấn đề hay gặp phải nhất trong dịp Tết và cách xử lý tạm thời khi bạn chưa thể qua nha khoa tái khám. Hy vọng với những mẹo nhỏ trên, các đồng niềng sẽ an tâm hơn trong những ngày Tết.
Bài viết này sẽ thay lời cảm ơn của đội ngũ y bác sĩ Nha Khoa An tới các bạn, những người đã luôn theo dõi và đồng hành cùng chúng tôi trong suốt chặng đường vừa qua. Năm 2024, mong rằng các bạn sẽ tiếp tục ủng hộ trang web Nha Khoa An với những series kiến thức vô cùng ý nghĩa và bổ ích sắp tới.